Skip to main content

Một số thông tin về Mục tiêu Tiêu dùng và Sản xuất bền vững của Liên Hợp quốc

Tiêu dùng và Sản xuất bền vững là một trong 17 mục tiêu của Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) do Liên Hợp quốc thống nhất ban hành năm 2015. 
      Mục tiêu số 12 này nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các nước thành viên của Liên Hợp quốc trong giai đoạn từ năm 2015 tới năm 2030. Việc thực hiện Mục tiêu Tiêu dùng và Sản xuất bền vững này có mối liên hệ chặt chẽ với hiệu quả triển khai các Mục tiêu khác trong Chương trình SDG, ví dụ như: giảm đói nghèo, tăng trưởng kinh tế và việc làm, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, hệ sinh thái dưới nước, sự sống trên mặt đất…


      Dưới đây là một số thông tin tóm tắt về Mục tiêu Tiêu dùng và Sản xuất bền vững.
      1. Căn cứ thực hiện Mục tiêu 
      Trong nhiều thế kỷ vừa qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thế giới đã chứng kiến và chịu nhiều tác động nghiêm trọng do vấn đề suy thoái môi trường gây ra, như cháy rừng, lũ lụt, nạn đói, dịch bệnh… 
      Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề ảnh hưởng tới chất lượng môi trường một phần lớn là do hoạt động sản xuất và tiêu dùng của con người, trong đó bao gồm các vấn đề nổi cộm như khí thải sản xuất, rác thải tiêu dùng…Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là một cơ hội để thế giới có thể nhìn rõ hơn các ảnh hưởng của hoạt động sản xuất, tiêu dùng tới chất lượng cuộc sống, từ đó, góp phần củng cố mục tiêu thực hiện các kế hoạch nhằm đảo ngược các xu hướng hiện tại để chuyển mô hình sản xuất và tiêu dùng sang hướng bền vững hơn. 
      2. Cách thức thực hiện Mục tiêu
      Một quá trình chuyển đổi thành công có nghĩa là nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, xem xét toàn bộ vòng đời của các hoạt động kinh tế và tham gia tích cực vào các hiệp định môi trường đa phương.
      Mục tiêu Tiêu dùng và Sản xuất bền vững hoàn toàn có thể thực hiện từ những hành vi rất đơn giản của từng cá nhân chủ thể trong từng hoạt động sinh hoạt thường ngày, ví dụ như: Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm giúp giảm chi phí sản xuất và tăng tính hiệu quả của hệ thống thực phẩm sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của môi trường. Hiện nay, chỉ tính riêng trong quá trình vận chuyển, bảo quản và chế biến sau khi thu hoạch, chúng ta đã thất thoát 13,8% - tương đương với hơn 400 tỷ đô la mỗi năm. Đồng thời, môi trường nước cũng đang ô nhiễm nhanh hơn tốc độ tự tái chế của tự nhiên, làm sạch nước ở sông và hồ.
     3. Thông tin cho doanh nghiệp 
     Doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tìm ra các giải pháp mới để áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc xác định các giải pháp cần được thực hiện trên cơ sở hiểu rõ:
     (i) các tác động của sản phẩm, dịch vụ đến môi trường và xã hội; 
     (ii) chu kỳ sống của sản phẩm; 
     (iii) các sản phẩm, dịch vụ bị ảnh hưởng như thế nào khi đưa vào quá trình tiêu dùng. 
     Cùng với đó, quá trình rà soát của doanh nghiệp cần xác định các “điểm nóng” trong quá trình sản xuất, kinh doanh -  nơi các can thiệp của doanh nghiệp sẽ mang lại khả năng cao để cải thiện môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực tới các khía cạnh của cuộc sống.
     4. Thông tin cho người tiêu dùng 
     Người tiêu dùng là chủ thể quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Tiêu dùng và Sản xuất bền vững. Để tham gia vào Mục tiêu này, người tiêu dùng cần lưu ý hai nguyên tắc: 
     (i) Giảm thiểu sự lãng phí, và;
     (ii) Cân nhắc về những gì sẽ mua và lựa chọn phương án bền vững nhất có thể
     Ví dụ cụ thể:
     - Đảm bảo không có sự lãng phí thức ăn và giảm tải tiêu thụ sản phẩm làm từ nhựa khó tiêu hủy — một trong những chất gây ô nhiễm chính cho đại dương.
     - Mang theo túi tái sử dụng, từ chối sử dụng ống hút nhựa và sử dụng các sản phẩm nhựa tái chế là một trong những cách tốt nhất trong tiêu dùng bền vững. 
     - Trở thành người tiêu dùng thông thái. Ví dụ, dệt may ngày nay là ngành gây ô nhiễm nước sạch lớn thứ hai sau nông nghiệp. Nhiều công ty thời trang lựa chọn đặt cơ sở sản xuất ở các nước đang phát triển. Nếu người tiêu dùng mua và sử dụng các sản phẩm nội địa sẽ tạo ra sự khác biệt cũng như gây áp lực đến các doanh nghiệp trong việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững. 

Hướng dẫn về các cách thức tiêu dùng bền vững có thể xem thêm tại: https://www.un.org/en/actnow

Để tìm hiểu thêm về Mục tiêu số 12 và các Mục tiêu SDG khác, hãy truy cập: https://sdgs.un.org/goals

Nguồn: Phòng Bảo vệ người tiêu dùng

About