Skip to main content

Một số kỹ năng để truy cập internet và giao dịch trực tuyến an toàn cho người tiêu dùng

Trong năm gần đây, xu hướng kinh doanh và tiêu dùng toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ khi chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức kinh doanh, giao dịch trực tuyến, trong đó chủ yếu là dựa trên nền tảng của internet. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích thì việc chuyển đổi này cũng tiềm ẩn những nguy cơ của các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc bảo mật thông tin, bảo vệ sự riêng tư của người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trên nền tảng internet.

1. Một số khái niệm hữu ích cho người tiêu dùng về việc theo dõi hoạt động trực tuyến của mình.

1.1. Các tệp được tạo ra trên trang web mà người tiêu dùng truy cập (Cookies)

Khi truy cập một trang web, có thể sẽ có một tệp được gọi là cookie trên trình duyệt web và các trang web sử dụng cookie để tùy chỉnh trải nghiệm duyệt web của người dùng. Khi một trang web đặt cookie trên trình duyệt của bạn, đó là cookie của bên thứ nhất . Dưới đây là một số ví dụ về cách các trang web có thể sử dụng cookie của bên thứ nhất:

- Trang web tin tức hiển thị thông tin thời tiết tại địa phương và tin bài về các chủ đề người tiêu dùng quan tâm.

- Một trang web ghi nhớ tên tài khoản người dùng hoặc các mặt hàng người tiêu dùng đã mua hoặc lựa chọn trong giỏ hàng của mình.

Các trang web thường cho phép các công ty khác đặt cookie - ví dụ: để hiển thị quảng cáo được nhắm đến người tiêu dùng. Đây là các cookie của bên thứ ba. Dưới đây là một số ví dụ về cookie của bên thứ ba:

- Một công ty quảng cáo đặt cookie và thấy rằng một người đã truy cập một trang web về việc “chạy bộ”. Sau đó, nó hiển thị cho người đó một quảng cáo về giày chạy bộ khi truy cập các trang web khác.

- Một công ty phân tích sử dụng cookie để biết chi tiết về lượt truy cập của người dùng vào một trang web - như lượng thời gian người đó đã dành cho trang web và các trang người đó đã truy cập. Nó có thể sử dụng thông tin thu thập được để phát hiện các vấn đề với trang web và cải thiện nó.

1.2. Phương thức theo dõi trực tuyến khác ngoài Cookies

Các công ty có thể theo dõi người dùng internet bằng các phương pháp khác mà không dựa trên cookie. Ví dụ: khi người dùng sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh của mình, các nhà quảng cáo có thể sử dụng một số nhận dạng được tạo ra từ điện thoại thông minh nhằm theo dõi các hoạt động truy cập.

Ngoài ra, họ còn có thể sử dụng kỹ thuật lấy dấu vân tay cũng từ thiết bị di động thông minh. Tính năng lấy dấu vân tay sử dụng các cấu hình và cài đặt kỹ thuật của trình duyệt để theo dõi hoạt động của người tiêu dùng.

Các công ty cũng có thể sử dụng các kỹ thuật khác để kết nối danh tính của người tiêu dùng với các thiết bị khác nhau được sử dụng để truy cập mạng - chẳng hạn như máy tính xách tay và điện thoại thông minh - rồi điều chỉnh quảng cáo cho phù hợp với người tiêu dùng trên tất cả các thiết bị một cách đồng bộ.

2. Chủ động quản lý việc theo dõi trực tuyến

Việc loại bỏ hoàn toàn các quảng cáo là không thể, nhưng người tiêu dùng có thể hạn chế việc quảng cáo. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể tách bạch các hoạt động truy cập trên các thiết bị khác nhau (như máy tính xách tay và điện thoại di động). Và nếu sử dụng nhiều trình duyệt, những thay đổi mà người tiêu dùng thực hiện đối với một trình duyệt sẽ không ảnh hưởng đến những trình duyệt còn lại. Sau đây là một số giải pháp có thể giúp người tiêu dùng chủ động quản lý và tăng tính an toàn cho các giao dịch trực tuyến của mình.

2.1. Thay đổi cài đặt quyền riêng tư của trình duyệt

Người tiêu dùng có thể tùy chỉnh để có nhiều quyền riêng tư hơn khi truy cập mạng bằng cách cài đặt bảo mật trên các trình duyệt. Những cài đặt này cho phép người tiêu dùng làm những việc như:

- Xem cookies trên máy tính và xóa chúng

- Quyết định và cho phép loại cookies mong muốn, bao gồm cả việc điều chỉnh các cài đặt đó theo trang web

- Bật chế độ duyệt web riêng tư

Nếu người tiêu dùng xóa cookies thay vì chặn, cookies sẽ được thiết lập lại sau mỗi lần truy cập mạng, vì vậy, người tiêu dùng có thể sẽ phải xóa cookies thường xuyên hoặc theo chu kỳ nhất định.

2.2. Thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên điện thoại thông minh

Hầu hết các thiết bị di động đều có cài đặt bảo mật cho phép người sử dụng kiểm soát các quảng cáo có được nhắm đến bản thân họ hay không dựa trên hoạt động duyệt và sử dụng ứng dụng của người đó. Người tiêu dùng có thể kiểm soát thông qua một số gợi ý sau:

- Đặt lại số nhận dạng quảng cáo: Trong phần “quảng cáo” của cài đặt bảo mật trên điện thoại, người tiêu dùng có thể tìm thấy tùy chọn để đặt lại số nhận dạng quảng cáo. Nếu đặt lại, thiết bị di động sẽ tạo một số nhận dạng mới. Bất kỳ dữ liệu nào được liên kết với số nhận dạng quảng cáo trước đây sẽ không được liên kết với số nhận dạng mới. 

Kiểm soát theo dõi: Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã giới thiệu một cài đặt yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng phải xin phép trước khi muốn theo dõi hoạt động của người dùng trên các ứng dụng hoặc trang web. Khi sử dụng một ứng dụng, người tiêu dùng có thể thấy một thông báo về việc cho phép ứng dụng đó theo dõi hoạt động của mình hay không. Nếu từ chối, ứng dụng không thể truy cập số nhận dạng quảng cáo trên thiết bị của người tiêu dùng.

- Kiểm soát vị trí: Nhiều công ty truy cập vào vị trí của thiết bị di động để gửi quảng cáo cho người tiêu dùng dựa trên vị trí hiện tại. Các tùy chọn kiểm soát vị trí của thiết bị sẽ giúp giới hạn việc chia sẻ vị trí của người tiêu dùng. Thông thường, người dùng có thể thao tác tắt chia sẻ vị trí của mình trong phần “dịch vụ vị trí” trong phần cài đặt quyền riêng tư của thiết bị.

- Cá nhân hóa việc nhận quảng cáo: Trong phần càì đặt quyền riêng tư, mục "quảng cáo", người tiêu dùng có thể kiểm soát "Quảng cáo được cá nhân hóa" hoặc "Cá nhân hóa quảng cáo". Nếu tắt quảng cáo được cá nhân hóa, điện thoại sẽ ngừng sử dụng thông tin của người tiêu dùng để hiển thị các quảng cáo mà người đó nằm trong nhóm khách hàng được các nhà bán hàng nhắm tới.

2.3. Xem xét sử dụng các ứng dụng mở rộng để chặn quảng cáo

Hiện nay, người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng chặn quảng cáo, những ứng dụng này được thiết kế như tiện ích mở rộng cho người tiêu dùng ngăn không cho quảng cáo xuất hiện trên trình duyệt web của họ. Chúng hoạt động bằng cách lọc nội dung cụ thể theo các quy tắc do chương trình hoặc người tiêu dùng đặt ra. Có rất nhiều công cụ chặn quảng cáo mà người tiêu dùng có thể cân nhắc, so sánh các tính năng và đánh giá để lựa chọn trình chặn quảng cáo phù hợp nhất.

Các ứng dụng chặn quảng cáo đóng vai trò như bộ lọc, các quảng cáo đực hiển thị phải đáp ứng các tiêu chí nhất định được đặt ra. Người tiêu dùng nên lưu ý rằng, các ứng dụng này có nhiệm vụ chặn quảng cáo nhưng không thể phát hiện hoặc ngăn chặn vi-rút hoặc phần mềm độc hại được.

2.4. Thay đổi cài đặt bảo mật của TV thông minh

Tương tự như một số thiết bị điện tử thông minh khác, đối với TV được kết nối internet, người tiêu dùng cũng có thể thay đổi cài đặt, hạn chế hoặc ngăn chặn việc các công ty theo dõi thông tin về thói quan sử dụng của người tiêu dùng. Các thiết bị phát trực tuyến và TV thông minh có cài đặt bảo mật giúp kiểm soát việc thu thập và sử dụng dữ liệu quảng cáo.

3. Truy cập internet, thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn

Truy cập internet, thực hiện các giao dịch trực tuyến, mua bán hàng hóa, dịch vụ qua phương thức thương mại điện tử chắc chắn sẽ tiếp tục là xu hướng của người tiêu dùng (trong đó có người tiêu dùng Việt Nam) trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều dịch bệnh đã và đang bùng phát trên toàn cầu. Không nằm ngoài xu hướng đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng trở nên quan thuộc hơn với internet

Tuy nhiên, để tận hưởng tốt nhất những lợi ích mà các hoạt động này mang lại và tránh bị xâm phạm bởi các hành vi vi phạm, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ nâng cao sự an toàn cho bản thân thông qua việc tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như thực hiện các hành vi tiêu dùng một cách thông thái.

Đối với người tiêu dùng Việt Nam, bên cạnh việc chủ động tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức, trong trường hợp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức trong các lĩnh vực về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử, an toàn thông tin… để được tư vấn và hỗ trợ.

(Nguồn tham khảo: Cục Bảo vệ Người tiêu dùng, Ủy Ban Thương mại Liên Bang Hoa Kỳ (FTC)

https://www.consumer.ftc.gov/articles/how-protect-your-privacy-online

Nguồn: Phòng Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

About